Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

THÀNH PHỐ QUI NHƠN

  • Nguyễn Nhật Thu

      Thành phố Qui Nhơn nằm ở cực nam tỉnh Bình Định, được hình thành từ rất sớm (cách đây khoảng 400 năm). Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi quanh năm, Qui Nhơn có một hệ sinh thái phong phú, địa hình đa dạng và tiềm năng phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là khai thác khoáng sản và du lịch.
      Được biết đến như một thành phố biển với các nguồn tài nguyên như: các loại thuỷ hải sản quí hiếm, nhiều bán đảo với diện tích lớn (Phương Mai, Sơn Trà…), quặng titan(xã Nhơn Lí), đá granit,…Qui Nhơn đang ngày càng đổi mới và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra còn có nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc, nổi tiếng. Đến với thành phố biển thơ mộng này không ai có thể bỏ qua khu du lịch Gềnh Ráng (Qui Hoà) là nơi an nghỉ của thi nhân tài hoa Hàn Mặc Tử, với những hàng cây song song chụm đầu vào nhau, những khu vực đá thoai thoải với những nhiều hình thù, bốn bề là sóng vỗ. Bên cạnh đó, khu du lịch Hầm Hô (Tây Sơn-Bình Định) cũng không kém phần hấp dẫn du khách bởi nét nguyên sơ, hiểm trở của sông suối cùng sự hùng vĩ của núi rừng. Qui Nhơn còn nổi tiếng với Suối Tiên mộng mơ, gắn liền với nhiều câu chuyện cổ tích li kì, và là miền sinh thái rừng đầy lí thú và hấp dẫn. Gần đây, với sự xuất hiện của cây cầu Nhơn Hội-cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối liền thành phố Qui Nhơn với các bán đảo khác, đã tạo nên một bộ mặt mới cho thành phố biển tươi đẹp này. Vì có bề dày lịch sử lâu đời, văn hoá truyền thống Qui Nhơn-Bình Định với nhiều lễ hội ( hội Bài chòi, lễ hội Tây Sơn,..), các loại hình nghệ thuật (tuồng, hát bộ,…) mang âm hưởng và những nét đặc trưng riêng biệt của miền đất võ miền Trung. Đây cũng là lí do thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Qui Nhơn.
      Những năm qua trong sự hội nhập chung, Qui Nhơn đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, xây dựng và nâng cấp các công trình đô thị. Hiện nay, Qui Nhơn được công nhận là đô thị loại hai và là một trong những đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Thuyết minh về thành phố Quy Nhơn.

  • Võ Thị Minh Thùy


    Quy Nhơn là một thành phố lớn nằm trong cùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy Nhơn đang thu hút  được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Trong đó, dịch vụ  du lịch cũng là một tiềm năng mạnh ở Quy Nhơn. Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, Quy Nhơn tự tin phát triển ngành công nghiệp không khói này. Nói đến biển Quy Nhơn, không thể không nói đến Ghềnh Ráng, một địa điểm du lịch rất hấp dẫn với mọi người.
    Cách trung tâm thành phố khoảng ba km về phía Nam, Ghềnh Ráng nằm ở một nơi phong cảnh hữu tình. Đến với khu du lịch Ghềnh Ráng, đầu tiên, khi vào cổng bạn phải đi qua một con dốc khá cao. Vào bên trong bạn sẽ nhìn thấy tượng đức mẹ Maria, bên dưới là mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Gần đó là những nhà lưu niệm, bạn có thể mua được nhiều hàng thủ công mỹ nghệ khá đẹp và sắc sảo tại đây. Gần đó là nhà hàng Hoàng Hậu mới được xây khang trang. Mọi người có thể leo núi, tắm biển, thưởng thức nhiều món đặc sản biển lạ miệng, hấp dẫn. Bãi tắm Hoàng Hậu nằm ở chân đồi Ghềnh Ráng. Nơi đây từng là bãi tắm của Nam Phương Hoàng Hậu. Những viên đá cuội bị nước biển bào mòn thành những hòn đá nhỏ nhỏ xinh xinh như những quả trứng. Vì thế mà nơi đây còn mang tên gọi khác là Bãi Trứng. Đi dọc theo bãi biển bạn sẽ tìm được nhiều hang động kì thú cùng với nhiều tượng đá mặt người, hòn Vọng Phu, hòn Sư Tử, hòn Chồng Vợ,... Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây nhiều địa điểm cho du khách khám phá. Đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống có thể bao quát toàn bộ phía đông thành phố, xa hơn là bán đảo Phương Mai. Quả là một nơi hấp dẫn. Phía Nam Ghềnh Ráng khoảng 3 km là một khu du lịch biển khác gắn liền với những năm tháng cuối đời của thi sĩ Hàn Mặc Tử, làng phong Quy Hòa. Tại đây có nhà lưu niệm của Hàn Mặc Tử, bạn có thể được đọc nhiều tác phẩm khắc trên đá, nhiều bài thơ do những người yêu thơ đề tặng trong những cuốn sổ. Đó là những dòng đè tặng thi sĩ Hàn Mặc Tử hoặc là những câu nói lên cảm xúc của họ khi đến với nơi đây. Đối diện làng phong này là làng tượng Danh nhân được bao bọc bở những rặng phi lao. Phía nam Quy Hòa là các điểm du lịch khác như Bãi Xếp, Bãi Bằng, Bãi Dài,.. cùng với nhiều ghềnh, thác, suối,.. Thiên nhiên ưu ái cho nơi đây không khí trong lành, yên ả, khác hoàn toàn so với sự ồn ào trong thành phố. Thật là tuyệt diệu nếu được đến với nơi này, được thư giãn, quên đi những muộn phiền của cuộc sống hàng ngày. Ghềnh Ráng xứng đáng là một địa điểm hấp dẫn với du khách trên tuyến đường Quy Nhơn-sông Cầu mà nếu đi ngang qua nơi này thì không thể bỏ qua.
      Một thành phố năng động và phát triển như Quy Nhơn tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp, không chỉ là khu du lịch Ghềnh Ráng mà còn nhiều nơi khác. Quy Nhơn đang cố gắng phát huy vẻ đẹp vốn có thành thế mạnh kinh tế của mình.

Thuyết minh về thành phố Quy Nhơn (vẻ đẹp tiêu biểu)

  • Nguyễn Vũ Minh Trang


Thành phố biển Quy Nhơn được nhắc đến một cách đầy tự  hào với những thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử. Một trong những nơi được ưa thích nhất khi đến với Quy Nhơn là khu Ghềnh Ráng, nơi có mộ  của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp năm 21 tuổi. Trong thời gian làm việc, ông gặp Mộng Cầm tại Phan Thiết. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người. Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong - một căn bệnh nan y thời đó và  mất tại Quy Nhơn năm 28 tuổi. Mộ của ông được xây cất trên đồi Ghềnh Ráng và trở thành nơi viếng thăm thu hút số lượng lớn du khách đén Quy Nhơn sau này.
Ghềnh Ráng, Qui Hòa là  một quần thể kiến trúc tuyệt mỹ của tạo hóa, nằm ở phía nam thành phố Quy Nhơn. Đứng từ  con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố, vào những ngày trời ít sương mù, có thể  nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hòa lô  xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút. Xung quanh ba bề là núi, ôm chặt thung lũng xanh, hình nửa vầng trăng. Phía sau lưng, tức là phía Nam, núi xanh dựng thành, nơi cao nơi thấp và từng lớp từng lớp chạy ven theo biển cho tới Quy Hòa. Phía trước mặt và phía Đông, biển Quy Nhơn bát ngát và  vũng Thị Nại láng lai.
Thành phố Quy Nhơn nằm trên lưỡi cát vàng chạy dài ra biển, cửa nhà  chen chúc dưới bóng phi lao và đường sá dọc ngang, suốt ngày người qua kẻ lại… Xiên xiên phía Tây Bắc, núi Đèo Son đứng sững ngó vào lăng. Và phía Tây cửa nhà san sát, rồi non chạy từng dãy ngoài xa xa.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử,  đã có một quãng đời với Qui Hòa. Ghềnh Ráng là  nơi núi choài chân khỏa sóng, cuối dải cát vàng của bãi biển Quy Nhơn. Nơi đây, vị hoàng đế Bảo  Ðại đã chọn xây lầu thưởng ngoạn và sửa sang bãi tắm cho hoàng hậu. Biển xanh sóng trắng, vỗ âm  điệu đại dương, cho những rặng liễu trăm tuổi, hát giọng trầm hoang dã, khiến những ai nặng lòng tục lụy đến đây, cũng được thanh thoát lên tiên.Ðiều kỳ thú là trên nền lầu của vị vua xưa, mộ Hàn Mặc Tử lại được "lên ngôi" sau lần cải táng. Nơi Hàn Mặc Tử đang yên nghỉ  có tên là "đồi Thi Nhân", danh em văn nghệ  sĩ Quy Nhơn đặt cho từ năm 1985. Dốc lên mộ  ở "đồi Thi Nhân" mang tên Mộng Cầm, chẳng biết ai là tác giả, hiện nay đã trở nên quen thuộc. mộ nhà thơ không ngày nào vắng người đến viếng, nhất là những người yêu thơ. Nơi  đây còn trở thành nơi chụp ảnh cho những đôi lứa yêu nhau.
Trước và sau năm 1975, mộ nhà thơ nằm trơ trọi bên rào kẽm gai khu thông tin nhà binh. Mười năm trở lại  đây, khi Ghềnh Ráng trở thành di tích danh thắng quốc gia, là địa chỉ du lịch, mộ Hàn Mặc Tử  đã được trùng tu và ấm khói hương bay. Mộ  xây theo kiểu thức tân thời: nấm mộ hình chữ  nhật nằm trên ba bậc cấp rộng và cao. Trên đầu dựng bia. Trên đầu bia tạc hình Đức Bà Maria đứng nhìn xuống nấm mộ và đưa tay ra như  để đón linh hồn Tử đương quì ở dưới chân.Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, được dựng lên một đài tưởng niệm. Bờ tường bao quanh trước đài nhô lên nửa vầng trăng, trăng trong thơ và  trăng đời hao khuyết của Hàn.
Nếu có dịp đến viếng mộ Hàn Mặc Tử, các bạn nên đi vào buổi mặt trời mới mọc, hoặc vào lúc nắng đã nhạt hơi sương. Ánh hào quang của biển vừa óng ánh vừa mát mẻ,  ánh sáng lộng lẫy của nắng nửa chìm sau núi nửa chiếu lên tầng mây, làm cho quang cảnh của lăng thêm vẻ  cao sang tú mỹ. Chúng ta có thể ngờ rằng cảnh quang vinh của bậc thiên tài sau lúc mãn phần  được thể hiện trên thế giới. 

THUYẾT MINH VỀ THÀNH PHỐ QUY NHƠN


  • ĐỖ LÊ NHƯ QUỲNH 

     Quy Nhơn từ lâu đã được xem như là  một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Nhắc  đến Quy Nhơn, ta không thể không nhắc đến Ghềnh Ráng- một bức tranh tuyệt mĩ mà thiên nhiên  đã ban tặng cho đất và người Quy Nhơn. Nếu đã một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng, bạn sẽ không bao giờ quên được cảnh sắc nên thơ, non nước hữu tình nơi đây.
      Ghềnh Ráng cách trung tâm Quy Nhơn hai cây số về phía nam. Có thể đến đây bằng nhiều cách, cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Ghềnh Ráng là một quần thể sơn thạch chạy sát biển với nhiều nét hoang sơ đặc trưng. Dọc theo bờ biển là những bãi đá nhô lên khỏi mặt nước với nhiều hình thù khác nhau, dường như đã tạo nên một sự sắp xếp có chủ ý của thiên nhiên. Những bãi đá ấy quanh năm đối mặt với bao sóng gió nơi biển cả, hình thành nên các gành, rạn. Nơi đây ngày ngày vẫn có từng đàn chim nhạn đông đúc kéo nhau đến sinh sống và tìm mồi. Có lẽ vì vậy mà nơi đây được người dân địa phương đặt tên là Nhạn Châu hay Bãi Nhạn. Ghềnh Ráng vừa có biển, vừa có núi mà còn cả suối trong nữa. Từ đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ra toàn cảnh Ghềnh Ráng. Phía nam là cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình với dải núi trùng điệp chạy dài sát bờ biển đến tận Quy Hoà, nơi có một bệnh viện dành cho người bị bệnh phong được xây dựng từ thời Pháp thuộc. nhìn lên phương bắc là những bãi cát vàng óng mịn. Vào lúc hoàng hôn buông xuống, những bãi cát này càng trở nên mờ ảo bởi những tia nắng huy hoàng còn sót lại của mặt trời lúc xuống biển. Những con sóng xô vào bờ cát rì rào. Cả đất trời như quyện vào nhau, bao phủ lên không gian nơi đây một sự yên bình, êm dịu, đem đến cho con người chút thư thả, lắng đọng nơi tâm hồn. Nhìn về phía xa, thành phố Quy Nhơn hiện ra tấp nập, nhộn nhịp với ánh đèn, đường phố đông người qua lại, khác xa với Quy Nhơn tĩnh lặng ngày nào. Ôm trọn bãi cát vào lòng là biển mênh mang một màu xanh biếc, xanh của đất trời, xanh của cây cỏ. Chính biển đã nuôi sống biết bao thế hệ người Quy Nhơn bằng sự giàu có của mình. Có rất nhiều loại hải sản, đặc biệt là những loại có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá chim,…Quay về hướng tây, bán đảo Phương Mai hiện lên sừng sững như một tấm bình phong khổng lồ che chắn, bảo vệ cho Ghềnh Ráng cũng như thành phố Quy Nhơn. Nhìn về phía đông nam là Cù Lao Xanh, một địa danh nổi tiếng của đất Bình Định. Trước đây, muốn qua Cù Lao Xanh phải đi một đoạn đường rất dài đầy trắc trở nhưng giờ đây, chỉ cần đi canô là sẽ đến được đây trong thời gian ngắn. Một ngọn hải đăng đã được dựng lên làm cột mốc định hướng cho người đi biển. Men theo con đường mòn lên núi có rất nhiều điều thú vị để ta khám phá. Đó là những tác phẩm điêu khắc kì diệu mà tạo hoá đã tạo nên. Ví như hòn đá có hình mặt người hay hòn Vọng Phu, hòn Chồng nhô ra biển đông, một mình trơ trọi giữa biển cả nhưng vẫn không hề ngã đổ mà vững bền, hiên ngang cùng với thời gian. Từ hòn Chồng đi thêm một đoạn nữa là vô số hang động kì bí, huyền ảo đang chờ bàn tay con người khai phá. Xa hơn nữa là một cảnh tượng vô cùng kì thú. Đó là một bãi rộng hơn bốn mươi mét vuông chỉ toàn đá là đá, đặc biệt ở chỗ, hòn nào hòn nấy bề mặt nhẵn bóng, hình dạng hệt như những quả trứng khổng lồ. Đó cũng là lí do tại sao bãi đá này được đặt tên là Bãi Trứng. Kế cận bãi là một mạch nứoc ngầm chảy ra từ khe đá tạo thành hai giếng nước ngọt  hình lòng chảo nằm kề nhau. Nứoc ở đây trong vắt, ngọt thanh. Dạo hết bãi đá ven biển là sẽ thấy một bãi cát vàng mịn hình lưỡi liềm. Chính vì cảnh đẹp nên thơ, huyền ảo nơi đây, biết bao cảm hứng thi ca đã nảy sinh, làm nên những bài tình ca bất hủ cho thi ca Việt Nam muôn đời.
      Chính cái tên của Ghềnh Ráng cũng hàm chứa bao nét đặc trưng của con người nơi đây. Xưa kia, mỗi khi đi qua những gành, rạn, những người dân chài phải tìm cách hãm bớt gió để thuyền đi chậm lại, tránh không cho thuyền va chạm vào những bãi đá nhọn nhô ra biển. Thao tác này trong ngôn ngữ bình dân của những người dân chài gọi là ráng. Lâu dần, người ta đọc trại thành Ghềnh Ráng. Cái tên mộc mạc xuất phát từ cuộc sống lao động thường ngày của người dân nơi đây, đủ cho ta thấy cái sự chất phát, chân tình, hoà mình với thiên nhiên trong tâm hồn họ.
      Trong tiềm thức dân gian, cảnh đẹp bao giờ cũng gắn liền với truyền thuyết về thần tiên. Tương truyền rằng ngày xưa có một cô gái nết na yêu một chàng trai cùng làng. Họ có một mối tình thật đẹp. Nhưng không may, một viên quan vì quá mê sắc đẹp của nàng, rắp tâm chia rẽ tình cảm đôi lứa để lấy nàng làm vợ. Chàng trai đi lính, cô gái phải ở nhà tìm tổ yến để giao nộp cho viên quan nọ. Người con trai đã trốn lính, không quản nguy hiểm ra biển tìm tổ yến cho người yêu. Thời gian trôi qua, đã quá hạn mà chàng trai vẫn chưa về, người con gái bị truy đuổi gắt gao đến Ghềnh Ráng thì bỗng nhiên trời nổi giông tố, núi nứt ra một khe lớn cho nàng chạy vào rồi biến mất. Chàng trai trên đường quay về gặp giông bão, mất hết tổ yến, cũng trôi dạt vào đây, thấy bóng người con gái lúc ẩn lúc hiện bèn chạy theo rồi cả hai cùng biến mất. Cũng bởi câu chuyện cảm động đầy chất nhân văn ấy mà Ghềnh Ráng còn được người đời đặt là Tiên Sa, tức Ghềnh Ráng- Tiên Sa.
      Ở Ghềnh Ráng trước đây còn có một toà biệt thự ba tầng cùng những công trình phục vụ cho cuộc sống đế vương trong những khi đi kinh lí, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp do vua Bảo Đại- vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam cho xây dựng vào năm 1927. Toà biệt thự này hiện nay chỉ còn lại phế tích. Khu vực này còn được gọi là Bãi Tắm Hoàng Hậu.
      Đến với Ghềnh Ráng, ta có thể thưởng thức phong cảnh nơi đây bằng các hoạt động gắn với biển như tắm biển, du lịch bằng thuyền hay lặn biển. Đặc biệt hơn nữa, ta có thể thử qua một số trò chơi cảm giác mạnh như lướt ván. Nếu không thích biển, ta cũng có thể tham gia vào một chuyến thám hiểm khám phá rừng rậm hoang sơ khi đi sâu vào khu rừng ở đây hay làm một chuyến leo núi. Sẽ thật tuyệt nếu được đứng trên đỉnh núi nhìn xuống quang cảnh ở dưới. Đó sẽ là một cảm giác không bao giờ quên. Ghềnh Ráng còn xây dựng một khách sạn và nhà hàng ngay cạnh bờ biển để phục vụ cho nhu cẩu ẩm thực của khách du lịch. Luôn có những món hải sản tươi sống rất đa dạng cho thực khách lựa chọn. Sau chuyến du lịch thú vị, ta còn có thể mua vài món đồ lưu niệm đặc trưng chỉ có ở Ghềnh Ráng làm quà cho bạn bè và người thân.
      Ghềnh Ráng ngày nay đã được đầu tư phát triển thành một khu du lịch trọng điểm của thành phố Quy Nhơn cũng như tỉnh Bình Định. Và trong tương lai, nó sẽ thu hút nhiều sự chú ý cũng như khách du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng, đi lên của Bình Định. Ta sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp hoang sơ của Ghềnh Ráng cũng như tâm hồn con người nơi đây.

Thuyết minh về Bãi Bàu-Địa điểm du lịch hấp dẫn


  • Mai Anh Tú - 10A

Cách đây khoảng một thập kỉ, Bãi Bàu vẫn còn là một cái tên khá xa lạ đối với người dân thành phố biển Quy Nhơn. Tuy vậy, trong những năm gần đây, Bãi Bàu được đánh giá là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của miền trung.

Được biết đến từ khi xuất hiện con đường biển Quy Nhơn – Song Cầu, Bãi Bàu nằm phía bắc huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên. Khi lần đầu đặt chân đến đây, một bãi biển tuyệt sạch hình cánh cung, dài chừng 1km, bao bọc bởi hai dãy núi nhô ra biển là những ấn tượng đầu tiên của du khách.
Mang trên mình một vẻ đẹp nguyên sơ hữu tình, Bãi Bàu thu hút khách du lịch với nhiều hoạt động hấp dẫn. Du khách đến đây, ngoài tắm biển còn có thể nhảy ghềnh, câu cá, leo núi. Hiện nay, một khu du lịch nghỉ dưỡng vừa được xây dựng vơí nhiều hạng mục: nhà hàng, nhà nghỉ, khu lều trại … Đặc biệt, các nhà nghỉ được thiết kế theo kiểu nhà rông đã mọc lên trên lưng chừng núi. Đến với Bãi Bàu, thực khách sẽ có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản biển như sò huyết O Loan, cá thu chấm nước mắm Ông Già ngon trứ danh ở Phú Yên.
Muốn đến Bãi Bàu, du khách có thể đi bằng hai cách. Một là đi từ thị xã Tuy Hoà ra nhưng tiện hơn vẫn là từ Quy Nhơn đi vào chừng 15km. Một tour du lịch của các hãng lữ hành thiết kế: Buổi sáng, sau khi dùng điểm tâm tại Quy Nhơn, du khách sẽ tham quan cụm danh thắng Ghềnh Ráng- mộ Hàn Mặc Tử- bãi Trứng- bãi tắm Hoàng Hậu- bệnh viện và làng phong Quy Hoà đến 11 giờ trưa, sau đó tiếp tục đến Bãi Bàu để tắm biển, dùng cơm trưa và nghỉ ngơi đến chiều.

QUY NHƠN

  • Nguyễn Hữu Trọng - 10A

  Quy Nhơn, mới gần 7 tháng thôi, vẫn còn xa lạ và mới mẻ lắm! Song, ngần ấy thởi gian cũng đủ để tôi thấy yêu cái thành phố biển miền Trung nhỏ nhắn này - một thành phố cũng không được sầm uất lắm, không ồn ào, tấp nập như thành phố HCM nhưng chính điều đó làm tôi càng say mê nó hơn.
   Đã là thành phố biển thì tất nhiên Quy Nhơn phải có một bờ biển. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Quy Nhơn một bờ biển thơ mộng, trải dài 42km như một dải lụa mềm uốn lượn, vừa là đầu mối du lịch, vừa là một nguồn tài nguyên hải sản lớn. Mỗi sớm mai, khi ánh bình minh bắt đầu rực lên, những tia nắng nhảy nhót, phản chiếu trên mặt nước làm cả không gian như chìm vào màu đỏ - màu của sức sống mới, mãnh liệt. Nhẹ nhàng thay, những chiếc thúng lướt trên mặt nước. Xa xa hơn, những con tàu lớn sừng sững đang ì ạch di chuyển chậm rãi. Biển Quy Nhơn đẹp lạ kì!
   Khi nhắc đến Quy Nhơn có lẽ nhiều người cũng biết về khu du lịch Ghềnh Ráng với bãi Trứng, bãi Tiên Sa và nhà hàng Hoàng Hậu chỉ vừa mới được đưa vào khai thác nhưng cũng rất thu hút bởi những công trình nhân tạo song mang đầy dáng vóc tự nhiên.
   Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này. Tiếp theo đó là một kiến trúc lịch sử và cũng là biểu tượng của thành phố - Tháp Đôi
Cuối cùng tôi muốn nói đến cầu Thị Nại. Cầu vượt Thị Nại là cây cầu vượt biển lớn nhất nước (dài 2.477,3 m, rộng 14,5 m, trọng tải 80 tấn gồm 54 nhịp, tổng vốn đầu tư là 500 tỷ đồng) nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội là dài gần 7 km nối thành phố Qui Nhơn với bán đảo Phương Mai (Khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Cầu được xây dựng trong 3 năm, khánh thành ngày 12/12/2006.
 Chỉ mới bao nhiêu địa danh đó thôi cũng đủ cho ta thấy rằng Quy Nhơn là một thành phố xinh đẹp, một thành phố vừa mang vẻ đẹp hoang sơ, vừa hiện đại.
(BT Văn TM)

Tháp Hưng Thạnh

  • Nguyễn Hoàng Khanh - 10A

Tháp Hưng Thạnh (hay còn gọi là Tháp Đôi) là khu tháp của Chăm-pa, hiện nằm ở làng Hưng Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tháp gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam nằm cạnh nhau.
Tháp Hưng Thạnh có  niên đại vào khoảng cuối thế kỉ 12, đầu thế kỉ 13 trong giai đoạn phong cách Bình Định. Đây cũng là thời kì có sự giao lưu thường xuyên giữa Chăm-pa và vương quốc Khmer nên các nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc Angkor cũng có ảnh hưởng ít nhiều vào kiến trúc điêu khắc của tháp.
Ngày nay, tháp đã được các chuyên gia trùng tu lại (vào những năm 1990), trả lại cho ngôi tháp hình dáng gần như xưa. Cả hai ngôi tháp đều nằm trên khu đất bằng phẳng dưới chân một quả đồi và đều quay mặt về hướng đông. Tuy có cùng hình dáng và cấu trúc là khối than vuông vức và phần đỉnh hình tháp mặt cong nhưng ngôi tháp phía bắc có chiều cao cao hơn so với ngôi tháp phía nam.
Trong hai ngôi tháp hiện còn của tháp Hưng Thạnh, ngôi tháp phía bắc không chỉ  cao hơn, lớn hơn mà còn ít bị hư hại hơn. Cửa ra vào phía đông của tháp đã bị đổ nát từ lâu, chỉ còn khung cửa hình chữ nhật tạo bởi bốn thanh đá lớn là còn lại. Ngôi tháp phía nam có hình dáng, cấu trúc và cách trang trí giống như ngôi tháp phía bắc nhưng nhỏ hơn và thấp hơn một chút. Toàn bộ phần chân tường của ngôi tháp phía nam đã bị hư hỏng nặng nề đến nỗi khó có thể nhận ra hình dáng ban đầu của cấu trúc này là như thế nào. Hiện nay, cả hai ngôi tháp đều đã bị mất phần chóp.
Về kiến trúc, cả  hai ngôi tháp thuộc Tháp Đôi đều không phải là  tháp vuông nhiều tầng như truyền thống của Chăm-pa mà là một cấu trúc gồm hai phần chính là khối than vuông vức và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Vì vậy, khi nhìn qua thì các ngôi tháp Hưng Thạnh có dáng vẻ của những đền thờ Khmer thời Angkor Vat. Theo các nhà nghiên cứu, những hình chim thần Garuda bằng đá với hai tay đưa cao, trang trí các góc tháp, là những sảm phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Khmer thế kỉ 12-13. Thế nhưng, toàn bộ phần dưới và phần chân của hai tháp vẫn giữ nguyên hình dáng, cấu trúc cũng như cách trang trí đặc trưng của những ngôi tháp Chăm truyền thống: khối than hình vuông, mặt tường bên ngoài đước trang trí bằng cửa giả, các cột ốp và các mặt nổi nằm ở giữa các cột ốp. Ở các tháp Hưng Thạnh, vòm bên trên của các cửa giả cao vút lên tạo thành những mũi lao, các cột ốp trơn nhẵn.
Ở ngôi tháp phía bắc, toàn bộ phần chân tường của tháp được bó bằng những tảng đá cát lớn thể hiện một đài sen khổng lồ nâng đỡ toàn bộ tháp, giữa các cánh sen là những hình voi, sư tử và những hình người múa, như các tháp Chăm truyền thống khác.Đầu tường phía trên tháp cũng nhô ra tạo thành bộ diềm mái lớn, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer, bộ diềm của tháp được làm bằng đá và trang trí bằng các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử, đầu voi và những hình người ngồi có sáu hoặc tám tay. Bốn góc của bộ diềm mái là bốn thần điều Garuda bằng đá khổng lồ được tạc theo mô hình và phong cách nghệ thuật Khmer thời Angkor Vat.
Ở ngôi tháp phía nam, dù bị hư hại nhiều hơn so với tháp bắc, một vài tảng đá nằm tại chỗ đã chứng tỏ xưa kia ngôi tháp phía nam cũng có hệ thống chân tường bằng đá tương tự tháp bắc. Mặc khác, các vòm cửa giả, các hình trang trí trên các tầng trên đỉnh tháp cũng tương tự như tháp bắc.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Một vẻ đẹp tiêu biểu của thành phố Quy Nhơn

  • Phan Trung Đông - 10A
Ghềnh Ráng là một thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố Quy Nhơn, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía nam. Ghềnh Ráng (còn được gọi là Gành Ráng) là một tác phẩm của tự nhiên bao gồm một quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất trập trùng xếp thành hang. Đến thăm Ghềnh Ráng du khách có thể viếng thăm mộ của nhà thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” Hàn Mặc Tử, nơi đã được Nhà nước công nhận là di tích danh lam thắng cảnh vào năm 1991. Phong cảnh nơi đây hết sức hữu tình, xung quanh khu mộ là những vườn hoa, những bãi cỏ xanh mượt đầy chất thơ. Dưới chân Ghềnh Ráng là bãi đá trứng với những viên đá tròn được sóng biển mài nhẵn và một bãi tắm trong xanh thoai thoải trải dài bải biển, được che chắn bởi những bức tường đá thiên nhiên. Ngoài ra, những du khách đã đến Ghềnh Ráng không nên bỏ qua nhà hàng Hoàng Hậu được đặt ở một vị trí hết sức thuần lợi, là một điểm đến lý tưởng để thưởng thức những món ăn hải sản độc đáo của địa phương, vừa cảm nhận khung cảnh thiên nhiên mộc mạc như một bức tranh thủy mặc. Có thể nói rằng Ghềnh Ráng là một địa điểm du lịch lý tưởng của miền đất võ mà những ai đã đến Quy Nhơn đều không thể bỏ qua.