Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Giới thiệu một cảnh đẹp của TP. Quy Nhơn

  • Nguyễn Thị Thanh Trúc


Quy Nhơn là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng miền Trung. Nơi đây có những vẻ đẹp tuyệt mĩ làm xao xuyến lòng người như tháp  Đôi có từ lâu đời hay cầu Thị Nại duyên dáng nối liền dải đất Quy Nhơn-Nhơn Hội…và tất nhiên không thể không kể đến khu du lịch Ghềnh Ráng mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ.Khu du lịch từ lâu đã trở thành biểu tượng của thành phố Quy Nhơn xinh đẹp.
    Ghềnh Ráng là một quần thể sơn thạch chạy sát tới biển, nằm cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía nam. Du khách có thể đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau như ô tô, mô tô hay thuyền… Nơi đây đá chất ngổn ngang tạo thành hang, thành gành quanh năm vui đùa với sóng biển.
   Khi bước vào khu du lịch Ghềnh Ráng, du khách có dịp đi viếng mộ của nhà thơ “đây thôn Vĩ Dạ” Hàm Mặc Tử nằm trên đồi thi nhân. Con đường dẫn lên đời được lát đá hoa cương nhẵn bóng rợp bóng cây xanh. Nơi an nghỉ của nhà thơ được xây thành gò cao, lưng dựa vào núi. Đó không chỉ đơn thuần là một kiến trúc xinh đẹp ở vào vị trí đắc địa của danh thắng mà hơn thế còn là nơi tưởng niệm một danh nhân. Nhà thơ mãi được yên nghỉ trong vòng tay chở che của chúa trời.
   Cách đồi thi nhân không xa là khu vui chơi, bán đồ lưu niệm.Khu vui chơi nghe có gì đó hiện đại. Có lẽ mọi người nghĩ đó giống như các công viên với đủ các trò chơi như xe điện đụng, đu quay…Nhưng không, ở đây chỉ có khu trò chơi dân gian với những trò chơi rất thú vị mà mỗi chúng ta đã từng chơi khi còn nhỏ hay có lẽ chưa từng biết đến những trò chơi rất giản dị, mộc mạc có từ xa xưa này. Du khách có cơ hội đùa vui với chiếc xích đu được làm từ tre, ngồi trên chiếc bập bênh rất ngộ. Những chú trâu được làm từ rơm, chiếc xe kéo mộc mạc điểm tô thêm cho khung cảnh nên thơ trên nền cỏ xanh mướt. Cảnh nên thơ vì lòng người cũng đang bang khuâng, xao xuyến.Nghệ sĩ Dzũ kha dung chiếc bút lửa để viết nên những dòng thơ sâu lắng, thắm đượm suy tư của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Chúng ta lại có dịp hiểu thêm về nhà thơ lớn của vùng đất Bình Định, về vẻ đẹp sâu sắc ẩn chứa trong văn chương.

                                       “Trời sáng trăng,sáng khắp mọi nơi 
                                                  Tôi đương cầu nguyện cho trăng tôi 
                                                  Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi 
                                                  Trăng mới là trăng của rạng ngời.” 
                                                                                         (Trăng vàng trăng ngọc)

   Có  lẽ thật đáng tiếc khi không thăm thú bãi tắm Hoàng Hậu khi đến khu du lịch. Đây là nơi dành riêng cho Nam Phương Hoàng Hậu tắm mát khi có dịp kinh lý cùng vua Bảo Đại về vùng đất Quy Nhơn nên người dân nơi đây gọi bãi tắm với cái tên thân thương: bãi tắm Hoàng Hậu. Nơi đây có vô vàn những viên đá tròn tròn, nhẵn như những quả trứng. Những quả trứng đá ấy ngày ngày phơi mình dưới cái nắng vàng óng ả, tắm mát  dưới làn nước trong vắt, mát rượi. Phía trước bãi là bức tường đá thiên nhiên oai hùng che chắn sóng nên dù là một bộ phận của biển Đông, bãi tắm không có những con sóng lớn dữ dội vỗ bờ như muốn cuốn đi tất cả những gì có trên bờ. Đến với bãi tắm, du khách sẽ có cảm giác thích thú khi đặt nhưng đôi chân trần lên những “quả trứng đá” hay vùng vẫy trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng “nước trời một sắc”, nơi đá và biển quấn quýt bên nhau tạo nên vẻ đẹp riêng cho vùng đất đấy dấu ấn lịch sử.
    Từ  Ghềnh Ráng, ta có thể phóng tầm mắt nhìn khắp xung quanh khu du lịch.  Nếu phía nam như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những dãy núi xanh dựng thành từng lớp chạy dọc theo bờ biển thì phái bắc là bãi biển Quy Nhơn dài rộng, quanh năm ào ào sóng vỗ với những hàng phi lao khẽ đẩy mình đung đưa theo làn gió biển mát lạnh, với những cánh chim hải âu vui đùa tren đàu ngọn sóng. Thành phố Quy Nhơn hiện lên với nhà cửa san sát. Quay mặt ra biển Đông là biển cả bao la một màu xanh biếc. Cuộc sống nơi đây thật nhộn nhịp. Từng dòng người, dòng xe vội vã chạy đua với thời gian. Hướng theo phía đông bắc là bán đảo phương mai, án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ. Hoàng hôn, Ghềnh Ráng chìm trong màu tím buồn của buổi chiều ta, có nét gì đó đượm buồn. Buổi đêm, ánh đèn điện rực rỡ, phía trên là những dòng xe lao vun vút trên con đường Quy Nhơn-Sông Cầu làm Ghềnh Ráng trông thật năng động, hiện đại.
    Ngày nay khi đến thăm quan cảnh đẹp ở Quy Nhơn, du khách không thể không đến thăm khu du lịch Ghềnh Ráng như tìm đén một thắng cảnh, một bức tranh sơn thủy hữu tình do thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người tạo nên.

TM về Quy Nhơn

  • Nguyễn Lương Thủy


    Về với Quy Nhơn, điểm đến đầu tiên phải kể đến Ghềnh Ráng. Ghềnh Ráng được đánh giá là danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh.

      Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái "sắc nước, hương trời" ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là "Ghềnh Ráng Tiên sa". 

      Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số "tác phẩm" tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá hình đầu sư tử chồm ra biển như muốn lao xuống dòng nước sâu thẳm. Tượng Vọng phu trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp.

      Nơi đây có bãi Đá Trứng hay còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây để tắm. Sỡ dĩ gọi là bãi đá trứng vì những hòn đá ở đây không có hình dạng như những hòn đá bình thường khác mà có hình tròn, nhẵn như quả trứng trông rất ngộ nghĩnh.Du khách đến nơi này thường lấy cho mình vài hòn đá nhỏ, tròn này như để làm kỉ niệm.

      Cách bãi Đá Trứng không xa về hướng tây là mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử. Phía sau mộ là nhà lưu niệm có nhiều ảnh, tư liệu về cuộc đời ông. Ở khu này, bạn có thể xem nghệ sĩ Dzũ Kha ở túp lều cạnh mộ Hàn biểu diễn nghệ thuật thi pháp thơ Hàn trên gỗ thông bằng bút lửa hay mua những bài thơ của Hàn được trình bày một cách nghệ thuật bằng thư pháp.
      Với những cảnh quan ngoạn mục, đặc điểm văn hoá độc đáo, Ghềnh Ráng được xếp hạng danh thắng quốc gia được nhiều du khách biết đếnCùng những lợi thế đó, khu du lịch đang từng bước được đầu từ nâng cấp, cải tạo các công trình hiện có và xây dựng thêm nhiều cơ sở đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách tham quan góp phần đưa Quy Nhơn thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng dài lâu.

TM VỀ THÀNH PHỐ QUY NHƠN



Nơi có hàng dừa xanh rì rào cùng bãi cát dài vô tận được sóng biển ôm trọn ngày đêm, nơi được biết đến như là chúa tể của những loài đặc sản ,chẳng nơi đâu xa lạ, đó chính là thành phố Quy Nhơn.
Thành phố Quy Nhơn –tỉnh Bình Định thuộc miền trung đất nước Việt Nam, nằm ven đường bờ biển dài và sở hữu một diện tích không lớn. Đến với thành phố Quy Nhơn, một mảnh đất nổi tiếng với nhiều truyền thống muôn màu muôn vẻ, xen kẽ với những danh lam thắng cảnh và nhiều sản vật đặc trưng, tạo cho người ta một cảm giác sảng khoái, tươi vui và yên bình. Đây con người Quy Nhơn mộc mạc, ngay thẳng cùng với những tấm lòng nồng hậu, mến khách và chân tình.
Nằm ngay cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn là cụm di tích lịch sử Tháp Đôi. Hai chiếc tháp Chăm màu nâu đất đã hoen ố rêu phong nhưng vẫn giữ được nhiều nét độc đáo riêng tạo nên một ấn tượng qua cái nhìn đầu tiên đối với những ai vừa đặt chân lên mảnh đất này. Mọi người vẫn rất thích thú với những hoa văn đơn sơ, những nét chạm khắc rất tinh tế của tháp, và luôn có ấn tượng sâu sắc với chất liệu làm nên hai chiếc tháp. Tồn tại đã lâu nhưng chúng vẫn đứng sừng sững trong một khuông viên nhỏ, xung quanh là hàng dừa xanh mướt giữa thành phố ồn ào và nhộn nhịp.
Tiến vào bên trong trung tâm thành phố, sẽ chẳng ai có thể mường tượng ra sự thay đổi quá độ của nó. Luôn luôn bận rộn, nhộn nhịp, tấp nập xe cộ qua lại. Nhà cao tầng, khách sạn, nhà hát, rạp chiếu phim nằm san sát hai bên đường, dẫn mắt mọi người đến một tượng đài uy nghi, hùng dũng của vị vua đất võ-hoàng đế Quang Trung nằm ngay trung tâm thành phố. Chiếc tượng được đúc bằng đồng, đặt giữa một hồ nước rộng cùng với sự kết hợp hài hòa giữa bốn màu đèn: xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên một vùng không gian lung linh lẫn sự linh thiêng nơi đây
Ra khỏi trung tâm thành phố là những con đường dài dẫn du khách đến nhiều danh lam thắng cảnh. Người ta vẫn nói rằng: Ai đến Quy Nhơn mà chưa từng một lần đặt chân lên Ghềnh Ráng, đến thăm mộ Hàn Mặc Tử thì xem như là chưa từng đến Quy Nhơn. Thật vậy, với cấu trúc một bên biển, một bên núi, thành phố Quy Nhơn đã đầu tư khu Ghềnh Ráng thành một   trung tâm du lịch nổi tiếng; có bãi tắm Hoàng Hậu với những khối đá tròn; một đường dốc cheo leo đầy cây cỏ. Đến Ghềnh Ráng vào những ngày lễ hội, bạn sẽ được tham gia vào những trò chơi dân gian thú vị: chơi ô ăn quan, đập niêu, được thưởng thức thơ của thi nhân Hàn Mặc Tử cùng với nghệ thuật bút lửa Dzũ Kha. Đặc biệt, vào nhưng đêm trăng thanh gió mát,Ghềnh Ráng là một địa điểm thú vị và đậm chất trữ tình để gửi hồn vào gió trăng. Đứng nơi đây có thể nhìn thấy trọn vẹn cả thành phố Quy Nhơn, đẹp nhất là lúc Quy Nhơn trong hoàng hôn và Quy Nhơn về đêm, lấp lánh đắm chìm trong muôn ánh điện màu. Và sẽ vô cùng thú vị nếu một lần bạn thử rảo bước trên con đường Xuân Diệu, một trong những con đường đẹp nhất Quy Nhơn, tận hưởng không gian mát lạnh và cả cái mùi mặn nồng hương quê của biển khơi.
Ra xa hơn Ghềnh Ráng, bạn sẽ được chứng kiến những bãi tắm thơ mộng như là: bãi dại, bãi sép, bãi bầu...với những hàng dừa trải dài vô tận bên bờ cát mịn màng, tận hưởng một không gian ngây ngất trong gió biển bao la.
Thành phố Quy Nhơn đã tồn tại cùng với những nét độc đáo riêng, tạo nên những gì khó phai trong lòng mỗi người dân nơi đây .Ở đó, con người được tìm về khoảnh khắc của sự nên thơ, của những tâm hồn bao la hòa quyện cùng tiếng sóng ngày đêm không ngừng vỗ.

Nguyễn Hoàng Kỳ Duyên
10 A